PhuthoPortal - Ngày 18/6/2024, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có biện pháp ngăn chặn đối tượng phản động lưu vong Nguyễn Văn Đài sử dụng hội, nhóm facebook “Luật sư Nguyễn Văn Đài và FANS” lôi kéo, móc nối người dân, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh tham gia tổ chức phản động, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
PhuthoPortal - Ngày 18/6/2024, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có biện pháp ngăn chặn đối tượng phản động lưu vong Nguyễn Văn Đài sử dụng hội, nhóm facebook “Luật sư Nguyễn Văn Đài và FANS” lôi kéo, móc nối người dân, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh tham gia tổ chức phản động, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
Trời đông nước Đức buốt giá, đổ xuống những bông tuyết đầu mùa khi phóng viên BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn nhà hoạt động, luật sư Nguyễn Văn Đài tại căn hộ của vợ chồng ông tại thành phố Hanau, CHLB Đức.
Đã năm năm trôi qua kể từ khi nước Đức đón nhận ông Đài ngay khi Việt Nam phóng thích ông sớm trước thời hạn 15 năm tù với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Ông Đài vừa trở về từ Pháp – nơi ông tham dự Lễ trao giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng do Tổ chức Việt Tân khởi xướng.
Trong năm năm qua, ông Đài cho biết ông đã dành toàn thời gian để kết nối với những người Việt cùng chí hướng tại Đức và nhiều nơi trên thế giới.
Cũng trong quãng thời gian này, ông đã tới Geneva 7 lần, tới Brussels 10 lần để gặp gỡ các phái đoàn châu Âu, đồng thời tham dự các hội nghị nhân quyền mà theo ông là để vận động cho một nền dân chủ tại Việt Nam.
Trong khi báo trong nước cho tới gần đây vẫn mô tả ông Nguyễn Văn Đài là ‘phản động lưu vong’, ông là người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao Giải thưởng Nhân quyền.
Đức cũng là nơi ông Đài lần đầu đón nhận làn gió tự do dân chủ vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh khi ông tới đây theo diện xuất khẩu lao động hơn 30 năm trước, và ông cho biết nó đã khơi lên trong ông khát vọng về một xã hội tương tự cho Việt Nam.
Thời điểm đó, ông Đài đã quyết định trở về để học trường luật, trở thành luật sư, dấn thân vì lý tưởng, trước khi bị bắt và bị tuyên án tù hai lần, tổng cộng mức án tù lên tới 19 năm.
Nói về hoạt động đấu tranh của mình tại Đức, ông Đài cho biết ông kiên định con đường ‘chống Cộng’, ‘đứng về phía đối lập với chính phủ để đấu tranh thay đổi đất nước’.
Nói về ngôi nhà thứ hai của mình – nước Đức – ông Đài nói ông luôn biết ơn chính phủ Đức đã cưu mang mình.
“Không có gì đảm bảo 100%, nhưng ở đây tôi luôn cảm thấy an toàn, được tự do thực hiện lý tưởng của mình mà không sợ bị đàn áp, sách nhiễu, tù đày,” ông Đài nói với BBC.
Khi được hỏi liệu ‘chống cộng’ có phải là phương pháp đấu tranh lỗi thời hay không, khi mà nhiều nước dân chủ trên thế giới đã chọn bắt tay Việt Nam để tìm kiếm các lợi ích chung và vì nhu cầu địa chính trị chiến lược, thông qua đàm phán, đối thoại, ông Nguyễn Văn Đài nói:
“Tôi không có lựa chọn nào. Tôi đã lựa chọn hợp tác với họ nhiều năm rồi nhưng họ chỉ đáp lại bằng bạo lực và trấn áp, chứ không có thiện chí hợp tác.”
Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai cường quốc kinh tế mới nhất vừa nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược toàn diện
Dù xu thế chung về ngoại giao quốc tế là thế, ông Nguyễn Văn Đài nói rằng trong các cuộc gặp gỡ với các chính trị gia và giới hoạt động ở Hoa Kỳ và châu Âu thời gian qua, ông hiểu rằng chính phủ các nước này luôn muốn hợp tác với một đối tác đối lập ở Việt Nam.
“Vấn đề là chưa có đảng đối lập nào ở Việt Nam đủ độ lớn và sức mạnh để bắt tay với đối tác quốc tế. Cho nên chính phủ các nước buộc phải bắt tay với chính phủ Việt Nam vì lợi ích chiến lược của họ trong cạnh tranh toàn cầu.”
“Chuyện ngược lại sẽ xảy ra. Khi các tổ chức đối lập lớn mạnh thì chính phủ các nước sẽ đến bắt tay với họ chứ không còn bắt tay với chính phủ Việt Nam nữa. Vì giá trị tự do dân chủ luôn được các nước hết sức tôn trọng và coi là nền tảng trong các mối quan hệ quốc tế.”
Ông Đài cũng nói rằng nhìn vào hoàn cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam hiện nay, ông nhận thấy ‘bức xúc của người dân đã rất lớn rồi’.
Thừa nhận rằng thời kỳ hoạt động dân chủ hiệu quả nhất là khi ông còn được ở trong nước, nhưng ông Đài nói ‘dù vậy không gian hoạt động rất nhỏ và luôn bị nhà cầm quyền sách nhiễu’. Trong khi đó, hiện giờ với sự phát triển của mạng xã hội, số lượng người mà ông có thể tác động lại lớn hơn rất nhiều.
“Tôi hiện giờ xây dựng lực lượng bí mật trong nước. Bên cạnh đó, tôi tập trung vào mảng truyền thông để nâng cao nhận thức và thu hút sự ủng hộ của người dân, bên cạnh đi vận động quốc tế.
“Có khoảng hai triệu người Việt Nam đang sinh sống ở các nước trên thế giới. Đó là môi trường rất tốt để mình có thể vận động họ tham gia tổ chức và đấu tranh."
Ông Đài cho hay ông vừa trở về từ Đài Loan, nơi ông tìm hiểu hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây.
"Họ có thể trở thành lực lượng của mình khi trở về Việt Nam, cùng với người dân trong nước tìm cơ hội để đấu tranh. Đấy là những công việc mà tôi đã có thể làm được trong thời gian qua.”
Chưa có một thống kê chính thức nào nhưng phong trào dân chủ của cộng đồng người Việt tại Đức hiện nay dường như sôi động nhất tại châu Âu, vì đây là quốc gia đông dân và nhận nhiều người tỵ nạn Việt Nam qua hàng chục năm.
Không phải Đức có chính sách riêng vì về Việt Nam mà chính phủ liên bang có chính sách mở rộng vòng tay đón cả triệu người tỵ nạn chiến tranh, tỵ nạn chính trị từ Trung Đông, Trung Quốc và Nam Á từ nhiều năm qua.
Vị trí của Đức ở giữa châu Âu cũng khiến các hoạt động kết nối nhân quyền dễ dàng hơn.
Vào Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12 năm nay, nhiều người Việt thuộc Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức do bác sĩ Hoàng Mỹ Lâm làm chủ tịch đã tập trung biểu tình trước Cổng Brandenburg biểu tượng của Berlin, trong rét buốt và mưa tầm tã.
Nhiều người từ các các thành phố trên khắp nước Đức tới Berlin từ đêm trước để chuẩn bị cho sự kiện thường niên này.
Nhà của bác sĩ Mỹ Lâm thường là nơi tạm trú cho các thành viên liên hội trong các sự kiện như vậy.
Trước ngày biểu tình, bên bàn ăn tối ấm cúng trong căn nhà rộng cả ngàn mét vuông, bác sĩ Mỹ Lâm kể về con đường đưa bà tới nước Đức.
‘Lúc ấy, tôi đang là một bác sĩ ở Sài Gòn, gia đình ba mẹ đều là cán bộ, cuộc sống êm ấm như phương Tây bây giờ…
‘Thế rồi khi Cộng sản vào, bắt đầu thời kỳ tem phiếu, phân phối thực phẩm đói khổ. Mỗi khi ở bệnh viện chia phần thịt heo, tôi thường là người cuối cùng nhận phần. Khi đó các phần ngon người ta đã lấy hết rồi, chỉ còn mấy khúc ruột heo. Tôi nhớ mình đạp xe từ bệnh viện về nhà, trên đòn xe treo tòn teng mấy khúc ruột heo và lòng thì buồn rười rượi, thầm nghĩ ‘đời mình thế là tiêu rồi’…"
Hơn 40 năm qua, những người vượt biên qua Đức như bà Lâm, dù đã coi Đức là quê hương, chưa bao giờ nguôi nỗi niềm ‘mất Sài Gòn’.
‘Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên…,’ bài hát ‘Sài Gòn niềm nhớ không tên’ được bà Thụy Uyển, một người tham gia biểu tình, trình bày, đón nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt của những người Việt trong khán phòng Evangelisches Kirchenforum ở Berlin. Đây là phần hai sau phần biểu tình, mọi người tới nhà thờ để cầu nguyện cho Việt Nam và cho những người tranh đấu bị bức hại.